
Nhân kỷ niệm 8 năm "Ngày Sách Việt Nam (21/4/2014-21/4/2021)" và bản quyền Thế giới; Kỷ niệm 46 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2021); Kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021). Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách là sản phẩm văn hóa tinh thần, là kho tàng tri thức đóng vai trò rất quan trọng, dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới những giá trị nhân văn cao cả. Có thể nói sách là những người bạn gần gũi chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn của mỗi người. Và đọc sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết không thể thiếu của mỗi con người. Ở thời đại nào, con người cũng lấy việc học, và đọc sách là một trong những phương cách để hoàn thiện nhân cách con người, để tiến bộ trong cuộc sống cá nhân và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Từ đọc sách, sưu tầm sách, xây dựng tủ sách, thư viện,… là một phần của việc hình thành văn hóa đọc. Văn hóa đọc là một trong những nguồn năng lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững.Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Nhân dịp 91 năm kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2021) thư viện huyện Hòa Bình xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc cuốn sách: Đảng ta là Đạo đức là Văn minh
Như chúng ta đã biết từ khi ra đời và trở thành Đảng cầm quyền, Đảng ta ngày một trưởng thành và lớn mạnh, lịch sử vẻ vang của Đảng là lịch sử chiến đấu, hy sinh, thế hệ tiếp nối thế hệ của những người Cộng sản Việt Nam cùng với nhân dân và dân tộc mình vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì Độc lập -Tự do - Hạnh phúc của nhân dân. Trong thời bình Đảng có một sứ mệnh cao cả đó là đưa đất nước lên tầm cao mới, một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Trên chặng đường xây dựng và phát triển Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng Đảng thật sự trong sạch, “Đảng là đạo đức, là văn minh”. Nếu “Đạo đức” được coi là giá trị cốt lõi trong nền văn hóa của mỗi dân tộc thì “văn minh” có nghĩa là tiêu biểu cho trí tuệ, là lý tưởng hướng tới những giá trị tốt đẹp của một xã hội tốt đẹp tiến bộ không ngừng vươn lên. Chính vì vậy để Đảng là đạo đức là văn minh, Đảng phải là của giai cấp, của dân tộc, có sự thống nhất giữa giai cấp và dân tộc, Đảng phải có sự đoàn kết thống nhất nhằm bảo đảm cội nguồn sức mạnh của mình và “là thống nhất, là độc lập, là hòa bình, ấm no”, Đảng của những giá trị nhân văn, là mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người và biểu hiện những thành tựu tiên tiến. Đảng là đạo đức, là văn minh là luận điểm vô cùng sâu sắc và tinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh dựa trên thực tiễn đấu tranh cách mạng Việt Nam và được kế thừa, chắt lọc những tinh hoa nhân loại đồng thời biết vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của đất nước; phải tuân thủ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân, trước dân tộc, chống chủ nghĩa cá nhân, thực hiện tự phê bình và phê bình, làm việc một cách dân chủ, tập trung, luôn tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức.
Cuốn sách tuyển chọn một số bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh về tư tưởng xây dựng Đảng là đạo đức, là văn minh, được sắp xếp theo thứ tự thời gian, và các bài viết của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu,… phân tích nội dung xây dựng Đảng là đạo đức, là văn minh trong tư tưởng Hồ Chí Minh và việc vận dụng tư tưởng của Người trong công tác xây dựng Đảng hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Nội dung cuốn sách gồm có hai phần:
Phần thứ nhất: Những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phần thứ hai: Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta là đạo đức, là văn minh.
Sách do PGS.TS. Trương Ngọc Nam -TS. Hoàng Anh đồng chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phát hành năm 2011, gồm 420 trang, khổ 14,5 x 20,5cm. Cuốn sách hiện đang có tại phòng mượn Thư viện huyện Hòa Bình với SĐKCB: MVV13848. Mời quý độc giả tìm đọc!

Ẩm thực miền tây Nam bộ cực kỳ phong phú bởi sự trù phú của thiên nhiên lẫn sức sáng tạo của những con người chất phác thảo thơm nơi đây. Hôm nay thư viện huyện Hòa Bình sẽ giới thiệu đến quý độc giả một quyển sách mà trong đó là những món ăn dân dã, đậm chất quê hương Nam bộ của tác giả Lê Duy Niệm một người con từng sống và coi Bạc Liêu là quê hương thứ hai của mình và theo tác giả thì: “Tôi vô bếp một phần vì đam mê, một phần vì muốn những món ăn như là món quà thơm thảo. Sự ấm áp và cái lạnh lẽo lúc nào cũng từ căn bếp mà ra. Nên từ căn bếp, tôi luôn tâm niệm phải giữ bằng được niềm vui của nhà mình…”. Đó là những lời chia sẻ đầy mộc mạc của chính tác giả Lê Duy Niệm, một giáo viên qua quyển sách "Bếp ấm nhà vui - Thương món ăn Nam bộ" của mình.
Hơn 30 mẩu chuyện nhỏ về những món ăn đã gắn với những kỷ niệm từ thời thơ ấu cho tới hiện tại mà chính ông trải nghiệm. Những món ăn bình dị, mộc mạc từ các tỉnh miền Tây lên tận Sài Gòn được tái hiện qua những hồi ức đẹp của tác giả. Những món ăn, cách chế biến được giới thiệu không cầu kỳ công thức, mà là những chia sẻ về những “tuyệt kỹ” của người mẹ, người bà, người vợ hay là của một quán nào đó ven đường mà tác giả vô tình ghé qua. Nó gắn cùng hồi ức của tác giả về cái thi vị của những ngày còn nghèo khó.
Đó là món thịt kho tàu “không đối thủ của” mẹ ông với cách chế biến cầu kỳ chan chứa tình cảm ấm áp. Hoặc vị mặn, bùi, thum thủm đặc trưng của ba khía Rạch Gốc mà người xa quê đều mừng rỡ vỡ òa cảm xúc, nuốt cùng cơm nguội vẫn ngon.
Là tô bún bì – món bình dân không ai bán của người vợ thảo tỉ mỉ làm riêng mỗi khi ông thèm ăn. Là chảo kho quẹt mặn chát trong trí nhớ ngày thơ bên người nghèo khó qua những ngày đông tháng giá. Là món bánh lá má làm ngày bé, rất giản đơn thơm mùi lá mơ chấm cùng nước cốt dừa béo ngậy mà ngày nay như muốn thất truyền.
Ký ức về món cơm tấm sườn bì thì phải ngồi vỉa hè Sài Gòn ăn để tìm về mùi vị… và còn nhiều những món ăn dân dã, đặc trưng hay đã biến tấu của người Nam bộ được tác giả truyền tải một cách thân thương đầy cảm tình qua giọng văn nhẹ nhàng, ngắn gọn. Đặc biệt những mẩu chuyện đều kèm theo những vần thơ bình dị và hình minh họa dễ thương.
Bên cạnh những món ăn chính là vô vàn những món bánh ăn chơi như: bánh đúc mặn miền tây, bánh khọt, bánh lá, bánh ướt ngọt, chè kiểm, chè khoai môn, bánh xèo nấm mối, khoai mì nước dừa, bánh tai yến, bánh da lợn, bánh tằm, sương sa,… đều được tác giả nhắc đến một cách nhẹ nhàng, tinh tế đầy sức hấp dẫn. Từ nguyên vật liệu, cách chế biến, cách thưởng thức cũng được tác giả hướng dẫn cụ thể.
Tác giả là một nhà giáo dạy văn nên sử dụng từ ngữ hết sức điêu luyện cho ta cảm nhận đúng cái chất miền tây Nam bộ giản dị mộc mạc mà rất thân quen nó đánh thức cảm giác và vị giác của người đọc một cách tinh tế nhất là đối với những người con xa xứ đó là nỗi nhớ quay quắt mùi vị của quê hương. Đó là những ký ức xưa cũ được gói ghém cẩn thận chợt ùa về bất chợt khi thấy lại những mùi vị quen thuộc, một dáng hình bất chợt xuất hiện trong nhịp đời vội vã là ùa về, là gây xao xuyến đến nỗi không thể kiềm chế được mà phải nếm, phải ăn dù không còn là vị ngày xưa nhưng đôi khi vẫn đủ làm cay xè khóe mắt.
“Bếp ấm nhà vui – Thương món ăn Nam Bộ" với giọng văn bình dị, ngôn ngữ đậm chất miền Tây, pha chút hóm hỉnh, hài hước xen lẫn với những món ăn mộc mạc giản dị là những vần thơ chất chứa những hoài niệm xưa cũ về quê hương về những thứ từng rất quen thuộc của người con xa xứ với từng kỷ niệm gắn với quê hương miền Tây và hình ảnh minh họa cũng hết sức dễ thương sẽ mang đến cho độc giả những phút giây thư giãn bên mâm cơm đầm ấm của gia đình. Quyển sách “Bếp ấm nhà vui- Thương món ăn Nam Bộ" của tác giả Lê Duy Niệm, do Nhà xuất bản Thế giới phát hành năm 2019 gồm 212 trang, khổ 21 cm. Sách hiện có tại thư viện huyện Hòa Bình với số ĐKCB: MVV.019340.
Rất mong quý độc giả tìm đọc./.